DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT

Hoàn thiện chế định quản tài viên trong Luật Phá sản
Ngày đăng: 15/04/2020

ThS. ĐẶNG VĂN HUY - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cao Bằng

Tóm tắt: Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Phá sản năm 2014 là quy định về chế định quản tài viên. Để quản tài viên hoạt động có hiệu quả, cần thiết phải làm rõ bản chất pháp lý của chủ thể này, từ đó xác định rõ các nội dung và yêu cầu hoàn thiện pháp luật phá sản nói chung và quy chế pháp lý của quản tài viên nói riêng.

Trong pháp luật thời Việt Nam Cộng hòa, quản tài viên là một thụ ủy tư pháp do Tòa án chỉ định và được thù lao bằng tiền phụ cấp do thẩm phán thừa nhiệm thanh quyết toán bằng án lệnh[1]. Giải thích cho bản chất thụ ủy tư pháp của quản tài viên, nhóm nghiên cứu và dự hoạch xây dựng Bộ luật Thương mại Việt Nam Cộng hòa năm 1973 cho rằng, “người khánh tận phải được đại diện vì đã bị tước quyền quản trị tài sản và ở vào tình trạng không còn tiến hành được các hành vi pháp lý đối kháng với chủ nợ; còn các chủ nợ được liên kết thành một khối cá biệt về pháp lý, nên cần phải có một người đại diện hành động nhân danh các chủ nợ”[2]. Tuy nhiên, ở những nước khác trên thế giới, còn có những quan niệm khác hơn về quản tài viên, ví dụ, pháp luật Anh định nghĩa, quản tài viên (trustee) là người nắm giữ các tài sản của con nợ bị phá sản theo quy định của pháp luật để phân bổ cho các chủ nợ[3].

Theo quy định của khoản 7, Điều 4 Luật Phá sản năm 2014, “Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản”; trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản có quyền chỉ định hoặc thay đổi quản tài viên (khoản 3, Điều 9; khoản 1, Điều 45; và khoản 1, Điều 146).

Bên cạnh đó, Điều 16 Luật Phá sản năm 2014 trao cho quản tài viên có quyền và nghĩa vụ quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh của con nợ (khoản 1), đại diện cho con nợ trong trường hợp con nợ không có người đại diện theo pháp luật (khoản 3), báo cáo tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của con nợ, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của con nợ (khoản 3), đề nghị thẩm phán tiến hành các công việc liên quan khác tới thủ tục phá sản (khoản 4), và báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm trước thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (khoản 6). Những quy định này cho thấy, theo pháp luật Việt Nam, quản tài viên là người đại diện cho con nợ trong trường hợp con nợ không có đại diện; quản tài viên phải tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự.

Ở nhiều nước trên thế giới, “quản tài viên” còn được phân biệt với “người quản lý tài sản do ủy quyền” (official receiver). Theo pháp luật của Úc, người quản lý tài sản do ủy quyền là người được chỉ định bởi luật hành động như quản tài viên trong thủ tục phá sản khi không có sự chỉ định tư nhân nào đối với người hành nghề phá sản (insolvency practitioner)[4]. Theo pháp luật Anh, người quản lý tài sản do ủy quyền là một viên chức nhà nước thuộc Cơ quan của chính phủ về vỡ nợ (the Government’s Insolvency Service) có nhiệm vụ bảo đảm trật tự phá sản do tòa án chỉ định và có trách nhiệm: (1) điều tra tình trạng tài chính và hoạt động của con nợ (kể cả các chứng cứ bất thường hoặc hoạt động phạm tội); (2) tiến hành ngay lập tức việc soát tài sản và sản nghiệp của con nợ; (3) liên hệ với tất cả các chủ nợ để mời họ chứng minh bất kỳ yêu cầu nào đối với bất kỳ khoản nợ nào chống lại con nợ phá sản; (4) có thể kiểm soát thư từ giao dịch của con nợ bị phá sản; (5) có thể yêu cầu tòa án ra án lệnh thu giữ hộ chiếu của con nợ bị phá sản; (6) dàn xếp việc đóng băng tài khoản của con nợ bị phá sản; (7) trong thời hạn 12 tuần theo trình tự phá sản, tiến hành họp hội nghị chủ nợ để chỉ định quản tài viên; và (8) trở thành quản tài viên, nếu không một quản tài viên nào được chỉ định, trong khi đó quản tài viên là người có quyền kiểm soát toàn bộ sản nghiệp của con nợ và có các trách nhiệm sau: thứ nhất, định đoạt tài sản của con nợ và bảo đảm giá bán tài sản công bằng vì lợi ích chi trả cho các chủ nợ; thứ hai, bảo đảm toàn bộ quá trình bán tài sản và chia cho các chủ nợ một cách công bằng; thứ ba, đối thoại với các chủ nợ và các đại diện thu hồi tài sản của họ; thứ tư, thông báo với con nợ một cách đầy đủ về các quyền của con nợ; thứ năm, tiến hành các biện pháp ngăn cản vụ kiện (nếu cần thiết); thứ sáu, xem xét toàn bộ tình trạng của con nợ và đưa ra những giải pháp chính thức để con nợ thoát khỏi những khoản nợ[5].

Do tính chất là một cơ chế hay một phương thức lấy nợ tập thể, ngăn cản việc lấy nợ riêng rẽ trên tài sản còn lại của con nợ, và tòa án là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ cho quá trình phá sản, cho nên quản tài viên có bản chất pháp lý là người thụ ủy tư pháp đứng ở trung tâm của mối quan hệ đại diện phát sinh bởi luật. Quản tài viên vừa đại diện cho con nợ bị phá sản, vừa đại diện cho các chủ nợ[6]. Bởi con nợ có thể theo khuynh hướng tự làm nghèo cho mình để trốn tránh trách nhiệm trả nợ, có thể trả nợ riêng cho chủ nợ theo sự lựa chọn của mình, và xét ở khía cạnh quản trị, con nợ yếu kém về quản trị để dẫn đến tình trạng phá sản, nên buộc con nợ phải hành động qua một trung gian trong một số hoạt động, nhất là trong mối quan hệ liên quan tới các chủ nợ. Do đó liên quan tới con nợ, quản tài viên thực hiện nhiệm vụ quản trị sản nghiệp của con nợ. Sản nghiệp là một thuật ngữ pháp lý chỉ tổng thể quyền và nghĩa vụ về tài sản nằm trong nhân cách pháp lý của thể nhân, pháp nhân mà bao gồm phần tích sản và phần tiêu sản[7]. Bởi không con nợ nào được lấy nợ riêng rẽ trên khối tài sản còn lại của con nợ để bảo đảm phá sản là một cơ chế lấy nợ tập thể, nên buộc bất kỳ con nợ nào cũng phải hành động qua một trung gian minh bạch và mọi người có thể kiểm soát được. Do đó liên quan tới các chủ nợ, quản tài viên thực hiện nhiệm vụ là đại diện cho các chủ nợ để không chủ nợ nào được hành động riêng rẽ trên sản nghiệp của con nợ.

Như vậy, so với kinh nghiệm của các nước trên thế giới có chế định quản tài viên tồn tại nhiều năm nay, chế định về quản tài viên trong pháp luật phá sản của nước ta còn nhiều hạn chế. Cụ thể, Luật Phá sản năm 2014 chưa đề cập tới các tiêu chuẩn hành nghề, đạo đức nghề nghiệp, các tranh chấp pháp lý liên quan tới quản tài viên, trách nhiệm pháp lý của quản tài viên và chấm dứt tư cách quản tài viên. Bên cạnh đó, quy định về quyền, trách nhiệm của quản tài viên còn chưa bảo đảm cho chế định này vận hành có hiệu quả trên thực tế.  

Vẫn biết rằng một đạo luật không thể bao quát được toàn bộ các vấn đề của phá sản. Song việc lựa chọn cách thức pháp điển hóa luôn luôn phải được được coi trọng. Chỉ có thể lựa chọn được cách thức pháp điển hóa khi người ta nắm vững được phạm vi và nội dung, cũng như logic của các vấn đề pháp lý liên quan. Vì vậy nếu không hiểu biết rõ về quản tài viên và không hiểu biết đầy đủ mối liên hệ của nó trong tổng thể luật phá sản thì khó có thể xây dựng được qui chế pháp lý đầy đủ về quản tài viên. Ở Canada, ngoài Đạo luật về Phá sản và Vỡ nợ (The Bankruptcy and Insolvency Act) hiện hành đưa ra các quy tắc chung về quản tài viên, còn có một Bộ quy tắc đạo đức của quản tài viên (The Code of Ethics for Trustees) gắn với đạo luật đó như một phần không thể tách rời. Trong đạo luật này có khoảng 38 điều quy định về quy tắc chung của riêng quản tài viên bao quát khá đầy đủ các nội dung của quy chế pháp lý của quản tài viên. Bên cạnh đó Bộ quy tắc đạo đức của quản tài viên chứa đựng 53 quy tắc cụ thể liên quan tới tiêu chuẩn về nghề nghiệp và thực hành nghề nghiệp quản tài viên.  

Để quản tài viên hoạt động có hiệu quả trên thực tế, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Luật Phá sản năm 2014, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm môi trường pháp lý lành mạnh cho hoạt động kinh doanh hướng tới hội nhập quốc tế sâu, rộng, chúng tôi nhận thấy, cần thiết phải tiến hành các công việc sau:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản năm 2014 một cách căn bản sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng về các mô hình luật phá sản và logic bên trong của chúng;

Thứ hai, thiết lập đầy đủ quy chế pháp lý của quản tài viên sau khi đã xác định bản chất và đặc điểm pháp lý của nó theo các mô hình luật phá sản tương ứng;

Thứ ba, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của quản tài viên ở Việt Nam, nâng cao năng lực, phẩm chất của quản tài viên, đáp ứng yêu cầu đặc thù của hoạt động quản lý, thanh lý tài sản trong giải quyết phá sản./.

 


[1] Lê Tài Triển, Nguyễn Vạng Thọ và Nguyễn Tân (1973), Luật Thương mại Việt Nam dẫn giải, Quyển II, Nhóm nghiên cứu và Dự hoạch, Sài Gòn, tr. 1135.

[2] Lê Tài Triển, Nguyễn Vạng Thọ và Nguyễn Tân (1973), Luật Thương mại Việt Nam dẫn giải, tlđd, tr. 1135 – 136.

[3] Lord Hailsham of St. Marylebone - Lord High Chancallor of Great Britain (1973), Halsbury’s Laws of England, Fourth Edition, Butterworths, London, tr. 286.

[4] Mark McKillop (2012), What can creditors do if the “Official Receiver” is the trustee in bankruptcy?, markmckillopbarrister.

[5] Bankruptcy Today (2018), Official Receiver & Trustee In Bankruptcy, http://bankruptcy-today.co.uk/

[6] Lê Tài Triển, Nguyễn Vạng Thọ và Nguyễn Tân (1973), Luật thương mại Việt Nam dẫn giải, tlđd, tr. 1135.

[7] Ngô Huy Cương (2015), Bình luận các quy định về pháp nhân trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Tạp chí Dân chủ và Pháp luật – Số chuyên đề sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự, Nxb. Tư pháp, tr. 44 – 45.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 20(372)-tháng 10/2018)

 

Các bài viết khác

Hotline tư vấn:
Zalo