THS. TRƯƠNG THỊ TƯỜNG VI – Giảng viên Khoa Luật, Đại học Sài Gòn
1. Đặt vấn đề
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dành cho chương trình máy tính (CTMT) đã và đang là vấn đề nhận được nhiều tranh luận trong giới chuyên gia pháp lý. Không những vậy, đây còn là vấn đề mang tính chiến lược của các nhà phát triển phần mềm. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường số đặt ra những yêu cầu thay đổi cách nhìn nhận về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với CTMT. Mặc dù tại khoản 2 Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019 (Luật SHTT) không công nhận bảo hộ CTMT dưới hình thức sáng chế, nhưng Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế (Quy chế TĐĐĐKSC) theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 do Cục SHTT Việt Nam ban hành vẫn cho phép cấp văn bằng bảo hộ sáng chế cho những giải pháp kỹ thuật liên quan đến CTMT.
2. Khái niệm chung về sáng chế liên quan chương trình máy tính
Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam và các nước trên thế giới đều bảo hộ quyền tác giả (QTG) cho CTMT vì quyền tác giả bảo vệ những yếu tố bằng chữ, ký tự của các mã CTMT nhưng quyền tác giả không bảo vệ yếu tố có giá trị thương mại nổi bật, đó là các ý tưởng làm nền tảng của CTMT. Vì vậy, các quốc gia tìm kiếm một cơ chế bảo hộ cho những yếu tố mang tính cốt lõi, hạt nhân quan trọng
nằm ở trong bộ máy, hệ thống, phương pháp xử lý dữ liệu của CTMT- đó là hình thức sáng chế. Tuy nhiên có sự khác biệt trong việc sử dụng thuật ngữ phổ thông và thuật ngữ pháp lý đó là "sáng chế phần mềm" hay "sáng chế liên quan đến CTMT"?
Theo khoản 1 Điều 22 Luật SHTT: "CTMT là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể." Còn theo Luật Công nghệ thông tin năm 2006, sửa đổi bổ sung 2017 khoản 12 Điều 4: "Phần mềm là CTMT được mô tả bằng hệ thống ký hiệu, mã hoặc ngôn ngữ để điều khiển thiết bị số thực hiện chức năng nhất định". Như vậy rõ ràng đây là hai khái niệm pháp lý không tương đồng, không thể hoán đổi cho nhau. "Phần mềm" có nội hàm rộng hơn "CTMT" vì trong định nghĩa trên phần mềm bao gồm cả CTMT. Dưới cách tiếp cận về kỹ thuật lập trình, phần mềm bao gồm CTMT, hướng dẫn cài đặt và các tài liệu ghi chú, trong một phần mềm bao gồm từ hai CTMT trở lên. Có thể thấy mối tương quan giữa phần mềm và CTMT như sau: một phần mềm có thể là CTMT nhưng một CTMT chưa hẳn là phần mềm. Hay nói cách khác, phần mềm là một sản phẩm, CTMT là một bộ phận có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ để thực hiện các chức năng quan trọng nhất trong phần mềm. Giá trị CTMT đối với người sử dụng là chức năng hoạt động của nó, chứ không phải là các đoạn mã nên thuật ngữ phổ thông thường sử dụng là phần mềm. Đối với người sử dụng, phần mềm và CTMT đều hướng đến chức năng sử dụng của sản phẩm nên thuật ngữ phần mềm được sử dụng khá phổ biến vì tính ngắn gọn, dễ phân biệt với phần cứng của máy tính (hardware). Nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam, thuật ngữ pháp lý ghi nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là CTMT.
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên (Khoản 12 Điều 4, Luật SHTT). Giải pháp kỹ thuật là cách thức kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ hoặc một vấn đề xác định, bao gồm sản phẩm và quy trình. Sản phẩm có thể dưới các dạng vật thể hoặc chất hay vật liệu sinh học. Quy trình có thể là quy trình công nghệ; quy trình chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý (Khoản 1 Điều 3, Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN). Đối với sáng chế áp dụng cho CTMT là giải pháp kỹ thuật được thể hiện dưới dạng quy trình hoặc sản phẩm do CTMT tạo ra. Các sản phẩm do CTMT tạo ra được bảo hộ sáng chế có thể là thiết bị được cài đặt để thực hiện một phương pháp, vật ghi chứa chương trình để thực hiện một phương pháp; quy trình do CTMT tạo ra được bảo hộ sáng chế có thể là phương pháp để vận hành một thiết bị thông thường. Quy luật của tự nhiên được ứng dụng để tạo ra giải pháp kỹ thuật là những hiện tượng vốn dĩ đã tồn tại trong tự nhiên, có tính khách quan, không phải là sự sáng tạo của con người, con người chỉ phát hiện ra. Các giải pháp kỹ thuật do CTMT tạo ra từ các thuật toán trên cơ sở ứng dụng các phương trình, định lý toán học – chính là các quy luật tự nhiên. Vì vậy, các phương trình, định lý toán học không được bảo hộ sáng chế. Hầu hết các quốc gia không bảo hộ sáng chế hay QTG cho thuật toán trong lập trình phần mềm vì cho rằng bản chất của các thuật toán chỉ bao gồm các phương trình trình toán học. Luật Sáng chế của Mỹ không trực tiếp cấp sáng chế cho một thuật toán nhưng thực tế vẫn cấp sáng chế cho chuỗi các bước trong thuật toán của CTMT vì một thuật toán thường bao gồm một chuỗi các bước như quy trình của các giải pháp kỹ thuật.
Chỉ thị hướng dẫn cấp sáng chế liên quan đến CTMT của Liên minh châu Âu xác định thuật ngữ sử dụng là "sáng chế liên quan đến CTMT" chứ không phải là sáng chế phần mềm hay sáng chế CTMT. Pháp luật của Mỹ đơn giản hơn, không gọi tên hay đưa ra khái niệm pháp lý gì về "sáng chế liên quan CTMT" mà chỉ cần CTMT tạo ra giải pháp kỹ thuật đáp ứng các điều kiện về sáng chế là được cấp bảo hộ. Tại điều 5, mục 5.8.2.5 Quy chế TĐĐĐKSC hướng dẫn cấp sáng chế cho CTMT, tuy nhiên thuật ngữ pháp lý được sử dụng là "sáng chế liên quan đến CTMT". Theo Quy chế TĐĐĐKSC thì sáng chế liên quan đến CTMT là một dạng sáng chế được thực hiện bởi máy tính. Do vậy, có thể xác định nội hàm của sáng chế được thực hiện bởi máy tính là bảo hộ sáng chế cho giải pháp kỹ thuật liên quan đến máy tính, mạng máy tính hoặc các thiết bị lập trình khác mà đối tượng yêu cầu bảo hộ sẽ được thực hiện bởi các CTMT. Chỉ có những lập trình máy tính hoặc quy trình được thực hiện bởi máy tính thông qua việc thực thi CTMT đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại điều 58 Luật SHTT là phải bảo đảm tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp thì sẽ được bảo hộ sáng chế liên quan CTMT. Như vậy, có thể hiểu sáng chế liên quan CTMT là những giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể được thực hiện bởi máy tính.
Để phát triển một CTMT, các doanh nghiệp phần mềm cần đầu tư rất nhiều vào nguồn nhân lực, tức là các lập trình viên lành nghề, thời gian và kinh phí cho các thiết bị chuyên dụng, cơ sở hạ tầng cần thiết. Do vậy, nếu doanh nghiệp phần mềm không nhận được sự bảo vệ đầy đủ cho sản phẩm của mình thì có thể dẫn tới kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp máy tính. Đây có thể là một trở ngại trong việc sử dụng máy tính trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội khác vì việc sử dụng máy tính là rất phổ biến trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống ngày nay. Bằng sáng chế liên quan đến CTMT không chỉ là một biện pháp thúc đẩy phát triển các sáng tạo mới trong công nghệ mà còn là một sự trao đổi giữa các nhà sản xuất CTMT và công chúng để đổi lấy sự độc quyền có giới hạn trong một thời gian đối với các sản phẩm của họ. Các nhà phát triển CTMT phải tiết lộ đầy đủ chính sáng tạo đó trong đặc tả chi tiết, cụ thể bằng sáng chế và đồng ý sự sáng tạo của họ sẽ được công chúng sử dụng miễn phí khi hết thời hạn bảo hộ độc quyền.
Từ khi chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới ra đời vào những năm 60 của thế kỷ thứ 20 việc bảo hộ quyền SHTT dành cho CTMT là một sự lựa chọn, cân nhắc của các quốc gia giữa bảo hộ CTMT như là quyền tác giả và hay như là sáng chế. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, sáng chế đã không phải là sự ưu tiên của các quốc gia để bảo hộ cho CTMT vì những nhược điểm sau: Thời gian nộp đơn sáng chế đến khi được cấp văn bằng bảo hộ là tương đối dài (ba đến năm năm), chí phí cấp một bằng sáng chế tương đối tốn kém hơn so với bản quyền và bí mật kinh doanh. Bảo hộ sáng chế cũng chỉ trong phạm vi bảo hộ của quốc gia cấp văn bằng. Nếu áp dụng cơ chế bảo hộ QTG, CTMT không cần phải công khai mã nguồn, mã máy hay bất kỳ một yếu tố nào cấu tạo nên CTMT cho công chúng. Còn với bí mật kinh doanh, chủ sở hữu buộc phải áp dụng các biện pháp bảo mật cho CTMT nhưng sáng chế phần mềm thì chủ sở hữu buộc phải công khai một cách chi tiết việc tạo ra CTMT. Và đương nhiên là nếu việc nộp đơn bảo hộ không thành công, chủ sở hữu không được cấp văn bằng thì các đối thủ cạnh tranh sẽ tận dụng sự công khai này để khai thác CTMT miễn phí. Vì vậy, các chủ thể phải tiên liệu trước khả năng này trước khi nộp đơn xin bảo hộ sáng chế cho CTMT của mình. Mặc dù bảo hộ bằng QTG với những ưu điểm trên đã trở thành tiêu chuẩn chung cho các quốc gia, nhưng QTG chỉ có thể ngăn chặn việc sao chép một biểu hiện cụ thể của bộ mã CTMT mà thôi, nếu hai CTMT cùng chung ý tưởng hoặc nguyên tắc kỹ thuật nhưng khác mã (có thể sử dụng khác ngôn ngữ lập trình) thì cũng không xem là vi phạm QTG. Ngược lại, sáng chế đã khắc phục được những nhược điểm của quyền tác giả bằng chính những lợi ích của sự độc quyền và phạm vi đối tượng được bảo vệ rộng hơn so với QTG và bí mật kinh doanh: chủ sở hữu bằng sáng chế có thể ngăn tất cả những người khác chế tạo, sử dụng hoặc bán sáng chế thể hiện ý tưởng hoặc nguyên tắc kỹ thuật cơ bản cơ bản liên quan đến CTMT.
CTMT dưới dạng mã nguồn mở là một sự đảo ngược của mô hình bảo hộ quyền tác giả của CTMT truyền thống (là CTMT đóng). Trong mô hình bản quyền truyền thống (mã nguồn đóng), các tác giả có thể kiểm soát CTMT bằng cách không cho phép người khác sử dụng, sửa đổi CTMT của mình. Thậm chí, nhiều trường hợp còn kết hợp với giữa QTG và bí mật kinh doanh để che dấu mã nguồn nhằm ngăn ngừa các đối thủ cạnh tranh. Sự kiểm soát này nhằm bảo toàn các đặc tính cơ bản của CTMT. Tương tự như vậy ở mã nguồn mở, các lập trình viên mã nguồn mở cũng tìm cách bảo vệ các đặc tính thiết yếu của CTMT. Tuy nhiên, họ kiểm soát mã ngược lại so với CTMT mã nguồn đóng bằng cách làm cho những người khác có thể tiếp cận được mã nguồn của CTMT một cách công khai, dễ dàng. Theo đó, người sử dụng tiếp theo có thể tái sử dụng lại mã nguồn, có thể cải tiến, sửa đổi mã nguồn trong các CTMT mới của tác giả sau. Như vậy, những đặc điểm này của mã nguồn mở khá tương đồng với sáng chế liên quan CTMT, đó là việc công bố công khai mã nguồn cho cộng đồng người sử dụng biết chứ không dấu mã nguồn. Bên cạnh đó, giữa sáng chế liên quan CTMT và mã nguồn mở cũng có những điểm khác biệt cơ bản là chủ sở hữu sáng chế có quyền cho phép hoặc ngăn cấm người khác sản xuất, sử dụng và chuyển nhượng sáng chế liên quan CTMT có kèm theo chi phí. Ngược lại, mã nguồn mở cho phép người sử dụng miễn phí và có quyền tự do sửa đổi, biên dịch, phân phối CTMT nếu tuân thủ các điều kiện có sẵn trong giấy phép nguồn mở. Thực tế cho thấy đa số giấy phép nguồn mở luôn bao gồm các giấy phép sử dụng một số quyền trong bằng sáng chế liên quan CTMT, trong đó nêu rõ phạm vi được cấp phép và những giới hạn không cho phép sử dụng. Ví dụ trong giấy phép mã nguồn mở của phần mềm Mozilla phiên bản 2.0 cho phép người dùng trên toàn thế giới được sử dụng miễn phí và không độc quyền để sử dụng, bán, chào bán, nhập khẩu và chuyển giao các phần mã nguồn, tính năng của CTMT cho người phát triển CTMT tiếp theo. Đồng thời, trong giấy phép nguồn mở cũng đưa ra giới hạn sử dụng sáng chế là: Những quyền trên là quyền duy nhất được cho phép theo giấy phép này; Không có quyền nào hoặc giấy phép bổ sung nào sẽ được hiểu ngụ ý từ việc phân phối hoặc cấp phép phần mềm được bảo hộ theo giấy phép này. Giấy phép ngụ ý nghĩa là người dùng mã nguồn mở tiếp theo không cần phải xin phép chủ sở hữu sáng chế liên quan CTMT nữa mà cứ thế mặc nhiên hiểu là đã được cho phép sử dụng trong phạm vi được nêu trên.
3. Khuynh hướng điều chỉnh pháp luật về sáng chế liên quan chương trình máy tính
Hiện nay, do yêu cầu hội nhập quốc tế nên những vấn đề pháp lý liên quan đến sáng chế CTMT giữa một số quốc gia có các điểm tương đồng trong xác định điều kiện bảo hộ cũng như mức độ ghi nhận bảo hộ sáng chế liên quan CTMT.
3.1. Mức độ ghi nhận tại các văn bản Luật
(i) Nhóm các quốc gia không phủ định bảo hộ sáng chế liên quan chương trình máy tính
Rõ ràng, những quốc gia có số lượng sáng chế lớn và giá trị là các quốc gia thừa nhận, hoặc không phủ nhận việc cấp sáng chế liên quan CTMT. Hiện nay các nước như Australia (Phần 18 của Đạo luật Sáng chế Australia, 1990), Mỹ (Điều 101 of mục 35 Luật Sáng chế Mỹ), Canada (Phần 2 Đạo Luật Sáng chế Canada, 1985) không loại trừ việc cấp sáng chế cho CTMT trong các đạo luật SHTT của mình, nghĩa là nếu một CTMT đáp ứng được các điều kiện bảo hộ sáng chế thì vẫn có thể có khả năng được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, bên cạnh cơ chế bảo hộ bản quyền. Các nước trên đều không đề cập đến các từ như "phần mềm máy tính" hay CTMT trong luật. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các sáng tạo về phần mềm hoặc máy tính có thể bị loại trừ cấp bằng sáng chế, miễn là một sáng tạo đáp ứng các tiêu chí chung về bằng sáng chế thì nó sẽ được cấp bảo hộ bằng sáng chế. Các quy định về sáng chế của Nhật Bản tại Điều 2 (Luật Sở hữu trí tuệ Nhật, 2019) khẳng định bảo hộ sáng chế liên quan đến CTMT, tuy nhiên, theo hướng dẫn kiểm tra của Văn phòng Bằng sáng chế Nhật Bản, để đủ điều kiện bằng sáng chế thì phải chứng minh rằng giữa CTMT kết hợp với một sản phẩm cụ thể để đưa ra một giải pháp kỹ thuật. Tại Hiệp định TRIPS, CTMT không được đề cập rõ ràng nhưng cũng không bị loại trừ bảo hộ sáng chế.
(ii) Nhóm các quốc gia loại trừ bảo hộ tại văn bản luật nhưng trên thực tế vẫn cấp bảo hộ tại các quy chế hướng dẫn
Các cơ quan sáng chế Châu Âu từ lâu vốn có truyền thống thận trọng trong việc công nhận một xu hướng pháp lý mới (Trần Kiên, 2020). Theo Công ước Sáng chế châu Âu (EPC) năm 1973, CTMT bị loại trừ khỏi việc cấp bằng sáng chế, tuy nhiên trên thực tế, sáng chế liên quan CTMT vẫn được công nhận tại Chỉ thị hướng dẫn cấp sáng chế liên quan đến CTMT của Châu Âu để hài hòa giữa các quy định tại Công ước và nhu cầu thực tiễn. Các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu cũng quy định tương tự: luật của Anh (Mục 1 (2) Đạo luật Sáng chế Anh, 1977) và Pháp (L 68-1 Điều 7 Luật SHTT Pháp, 1992) cũng phù hợp với nội dung của Công ước sáng chế Châu Âu (Điều 52 Công Ước Sáng chế Châu Âu,2000) không cấp sáng chế cho CTMT, nhưng trên thực tế đều có các hướng dẫn cấp sáng chế liên quan đến CTMT hoặc thông qua các bản án xác định đối tượng được bảo hộ. Tại Pháp, tòa án quyết định xác lập khả năng cấp bằng sáng chế liên quan đến một quy trình kỹ thuật trong đó các hoạt động được thực hiện bởi phần mềm (Bản án Schlumberger số PIBD 1981.285.III.175 của Tòa phúc thẩm Paris, 1981) và hệ thống phần mềm luôn có tính chất kỹ thuật thì có thể được bảo hộ sáng chế (Bản án của Tòa Đại án Paris, 2007 số RG 01/11641 trong vụ kiện giữa công ty Infomil và công ty Atos Origin). Trong hai quyết định của Tòa án Tối cao Anh năm 2009 đưa ra năm dấu hiệu hướng dẫn để xác định liệu một CTMT có bị loại trừ khỏi khả năng cấp bằng sáng chế hay không (Bản án vụ AT&T Knowledge Ventures, và bản án CVON Innovations Ltd, 2009).
Là một trong những quốc gia phát triển về ngành công nghiệp gia công phần mềm rất sớm, Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng về kinh tế- xã hội với Việt Nam. Pháp luật Ấn Độ tại Phần 3 (K, Đạo luật Bằng sáng chế Ấn Độ, 2005, quy định rõ CTMT không thuộc danh mục có thể được cấp bằng sáng chế ở Ấn Độ. Tuy nhiên, phần mềm vẫn được bảo hộ nếu sáng chế cấp cho sản phẩm gắn liền với CTMT, trong đó CTMT phải nổi trội hơn sản phẩm. Tương tự như nhiều quốc gia khác, pháp luật Trung Quốc không cho phép các CTMT được cấp sáng chế (Điều 25 của Luật sáng chế Trung Quốc, 2008) nhưng tại của Hướng dẫn sửa đổi về kiểm tra bằng sáng chế (phần 2, chương 9, mục 4.2 Hướng dẫn sửa đổi về kiểm tra bằng sáng chế Trung Quốc, 2017) lại cho phép cấp sáng chế liên quan CTMT. Tuy nhiên CTMT đó phải được chứa đựng trong một sản phẩm hữu hình cụ thể chứ không bảo hộ sáng chế cho một CTMT độc lập. Mặc dù tại Việt Nam điều 59 Luật SHTT loại trừ cấp sáng chế cho CTMT, nhưng Quy chế TĐĐĐKSC với sự ghi nhận bảo hộ sáng chế cho đối tượng liên quan CMTMT tại điều 5, mục 5.8.2.5, pháp luật Việt Nam cũng đã có sự kết hợp giữa việc bảo hộ sáng chế và QTG dành cho CTMT, giữa nội dung và ý tưởng của CTMT, giữa pháp luật quốc gia và pháp luật của các nước mà Việt Nam có quan hệ thương mại.
3.2. Điều kiện bảo hộ sáng chế liên quan chương trình máy tính
Bên cạnh các điều kiện bảo hộ sáng chế chung là có tính mới, có tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp, mỗi quốc gia có những yêu cầu khác nhau để được cấp sáng chế liên quan đến CTMT. Về nguyên tắc sáng chế chỉ bảo hộ ý tưởng, tuy nhiên, không phải bất kỳ ý tưởng CTMT nào cũng được cấp bằng sáng chế. Cải thiện chức năng của máy tính là một tiêu chí để xác định đây là một giải pháp kỹ thuật rõ ràng, cụ thể chứ không phải là một ý tưởng trừ tượng. Từ cách tiếp cận về kỹ thuật, CTMT có thể được cấp bằng sáng chế nếu nó cải thiện chức năng máy tính theo một cách nào đó (nghĩa là nó cho phép một số khả năng tính toán, xử lý vấn đề mà trước đây không có sẵn, tăng tốc quá trình hoặc yêu cầu ít tài nguyên hơn) hoặc nếu giải quyết được những bất cập trong lĩnh vực hoạt động máy tính một cách độc đáo. Các ý tưởng trừu tượng phải cần các yếu tố bổ sung để có thể chuyển đổi ý tưởng trừu tượng thành một ứng dụng đủ điều kiện bằng sáng chế. Ví dụ một thuật toán không thể được cấp bằng sáng chế, nhưng nếu một thuật toán của CTMT tạo ra một giải pháp kỹ thuật- chức năng, phương pháp hoặc quy trình là kết quả của chương trình được chạy trên máy tính thì có thể được cấp sáng chế.
Có sự khác biệt trong cách tiếp cận của các quốc gia khác nhau giữa Mỹ, Canada, Australia, Nhật với các quốc gia châu Âu và Việt Nam ở mức độ xác định các tiêu chí yêu cầu cấp bằng sáng chế liên quan CTMT. Các quốc gia ở châu Âu và Việt Nam đã quy định bằng sáng chế phải đáp ứng các tiêu chí được liệt kê cụ thể. Cách tiếp cận của các quốc gia châu Âu rất thận trọng và đòi hỏi nhiều chi tiết, nếu so sánh giữa Châu Âu và Nhật Bản, các hướng dẫn mà Nhật Bản tuân theo sẽ nhẹ nhàng hơn so với các quy định của châu Âu. Các tiêu chuẩn cấp bằng sáng chế liên quan CTMT đã được sửa đổi vào năm 1993, theo hướng dẫn của Nhật Bản, các đối tượng có thể được cấp bằng sáng chế nếu sử dụng quy luật tự nhiên trong xử lý thông tin được thực hiện bởi phần mềm và phát minh sử dụng tài nguyên phần cứng. Do vậy, có những phần mềm có thể không thoãn mãn các điều kiện cấp bằng sáng chế ở châu Âu nhưng có thể được cấp bằng sáng chế tại Nhật Bản. Vì vậy, Mỹ và Nhật Bản luôn là quốc gia dần đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế. Mỹ, Australia, Canada thì không giới hạn bằng cụ thể hóa chi tiết các đối tượng được cấp sáng chế vì sự phát triển của khoa học, công nghệ sẽ dẫn đến sản sinh những đối tượng mới không được liệt kê trong luật.
Tại Mỹ, dù không quy định cụ thể tại các quy định luật nhưng thông qua các án lệ đòi hỏi tiêu chí cấp sáng chế liên quan CTMT chỉ dành cho những ý tưởng gắn liền với một sản phẩm máy móc cụ thể chứ không phải là một ý tưởng trừu tượng, chung chung (Bản án giữa Diamond và Diehr của Tòa án tối cao Mỹ, 1981) hoặc chỉ là một thủ tục để giải quyết một loại vấn đề thuật toán nhất định. Về việc xác định ý tưởng nào được cấp sáng chế, các án lệ của Mỹ đã hình thành quy tắc phân tích hai bước: Đầu tiên, tòa án xác định liệu CTMT trên một ý tưởng trừu tượng hoặc nguyên tắc chung, tổng quát. Nếu CTMT đó được tuyên bố hướng đến một ý tưởng trừu tượng, tòa án sẽ tiến hành bước phân tích thứ hai, đó là xác định xem bằng sáng chế có chứa đựng ý tưởng thể hiện một sự sáng tạo hay không (Bản án giữa Mayo Collaborative Services và Prometheus Labs của Tòa tối cao Mỹ, 2011). Nếu không có thêm yếu tố sáng tạo vào ý tưởng trừu tượng cơ bản, tòa án sẽ kết luận không đủ điều kiện cấp sáng chế theo điều 101 Luật Sáng chế Mỹ.
Liên minh Châu Âu đòi hỏi phải có đặc tính kỹ thuật là điều kiện tiên quyết để được cấp sáng chế, phải là đóng góp kỹ thuật một cách không hiển nhiên hoặc giải quyết vấn đề kỹ thuật theo cách không hiển nhiên, dễ dàng mà có được (European Patent Office, 2006). Như vậy, với yêu cầu này của Liên minh Châu Âu cũng có nhiều điểm tương đồng với pháp luật Việt Nam. Tại Anh, ảnh hưởng bởi Công ước Sáng chế Châu âu, một CTMT nếu thực hiện quy trình công nghiệp cũng có thể được coi là một giải pháp kỹ thuật và có thể được cấp sáng chế. Tòa án Anh (Bản án vụ AT&T Knowledge Ventures, và bản án CVON Innovations Ltd, 2009) đã đưa ra 5 tiêu chí để xác định khả năng được cấp sáng chế: (1) Hiệu ứng kỹ thuật được yêu cầu cấp sáng chế không thể được thực hiện bên ngoài máy tính;(2) Hiệu ứng kỹ thuật phải được hoạt động ở cấp độ cấu trúc của máy tính; có nghĩa là hiệu ứng được tạo ra trong máy tính bất kể dữ liệu đang được xử lý hay các ứng dụng đang được chạy;(3) Hiệu ứng kỹ thuật phải dẫn đến việc máy tính được hoạt động theo một cách mới;(4) Có sự gia tăng về tốc độ hoặc độ tin cậy, tính chính xác của máy tính; và (5) Vấn đề được giải quyết bằng chính giải pháp kỹ thuật đó chứ không phải chỉ là cách thức lòng vòng.
Tại Việt Nam (5.8.2.5 Quy chế TĐĐĐKSC, 2010) xác định CTMT thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nhưng nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ có đặc tính kĩ thuật và thực sự là một giải pháp kĩ thuật, nhằm giải quyết một vấn đề kĩ thuật bằng một phương tiện kĩ thuật để tạo ra một hiệu quả kĩ thuật thì nó có thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nhưng lại không được sử dụng cụm từ "CTMT" hay "phần mềm" trong đơn yêu cầu cấp sáng chế. Ngay cả trong trường hợp CTMT có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế như nêu trên thì cũng không được cấp văn bằng bảo hộ nếu trong đơn yêu cầu bảo hộ, các đối tượng có tên được thể hiện bằng cụm từ như “CTMT”, “phần mềm máy tính”, “sản phẩm chương trình/phần mềm máy tính”, hoặc “tín hiệu mang chương trình”, và các cụm từ tương đương khác là không được chấp nhận. Trong thực tế, nếu đơn xin cấp bằng sáng chế được mô tả và yêu cầu cấp bảo hộ sản phẩm của mình một cách chung chung, thì đối tượng được yêu cầu cấp sáng chế có thể sẽ được phân loại thành một ý tưởng trừu tượng. Tuy nhiên, nếu mô tả và yêu cầu bảo hộ với chi tiết kỹ thuật quan trọng và tập trung vào các kỹ thuật tạo ra CTMT thì có thể sẽ được xem là không phải một ý tưởng trừu tượng. Từ năm 1999 đến nay tại Việt Nam chỉ có 43 đơn xin cấp sáng chế liên quan đến CTMT trong đó có 7 sáng chế liên quan CTMT là của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là công dân, tổ chức Việt Nam, còn lại của các nhà các sáng chế từ nước ngoài xin cấp bảo hộ tại Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ hơn 10 sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dựa trên nội dung của Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ do Cục SHTT Việt Nam ban hành tại điều 5, mục 5.8.2.5. Nếu nhìn vào con số thực tế được cấp bảo hộ cho thấy số lượng được cấp bảo hộ sáng chế liên quan đến CTMT hiện nay chưa nhiều, chủ yếu là từ các chủ sở hữu ở nước ngoài muốn sáng chế của họ được bảo hộ tại Việt Nam dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về công nghệ thông tin. Thực tế phản ảnh đúng hiện trạng chúng ta đang nghiên về gia công phần mềm hơn là phát triển sản phẩm phần mềm.
3.3. Sáng chế liên quan CTMT là phương pháp kinh doanh
Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của thương mại điện tử trên toàn cầu đã phát sinh một vấn đề pháp lý tương đối quan trọng đó các sáng chế liên quan CTMT dưới hình thức phương pháp kinh doanh. Ví dụ quảng cáo trực tuyến trên facebook: ý tưởng là đưa quảng cáo của doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo đến với nhiều người tiêu dùng nhất, tiết kiệm chi phí nhất có thể, đó là phương pháp kinh doanh. Ý tưởng đó được thực hiện bằng một giải pháp kỹ thuật là sử dụng CTMT để chèn, xuất hiện quảng cáo sản phẩm trên các trang của người dùng facebook chính là việc giải quyết vấn đề quảng cáo, tiếp thị sản phẩm theo cách mới lạ. Sự kết hợp giữa ý tưởng kinh doanh, giải pháp kỹ thuật và CTMT còn cho ra đời những công ty hiện nay rất thành công như Grab, Airbnb…Một phương pháp kinh doanh thuần túy thì không có đặc tính kỹ thuật nên sẽ không được bảo hộ sáng chế. Tuy nhiên, một sáng tạo là phương pháp kinh doanh nhưng sử dụng công nghệ phần mềm một cách đặc biệt, độc đáo thì có thể được cấp bằng sáng chế, khác với cách tiếp cận truyền thống là bảo vệ theo pháp luật về bí mật kinh doanh. Tại Mỹ, mục 35 Điều 101 Đạo Luật về Sáng chế có thể có được bằng sáng chế cho bất kỳ quy trình mới, máy móc, sản xuất hoặc thành phần vật chất mới hoặc bất kỳ cải tiến mới và hữu ích nào. Do vậy Văn phòng Bằng sáng chế Mỹ được phép cấp bằng sáng chế cho các phương pháp kinh doanh gắn liền với hoạt động CTMT. Hướng dẫn kiểm tra, phần VII, chương 1 (1993) 5 của Nhật Bản quy định ngoài các CTMT xử lý các hoạt động kỹ thuật, các CTMT xử lý các hoạt động phi kỹ thuật như chương trình xử lý văn bản cũng là sáng tạo theo luật định nếu các CTMT đó thực hiện các hoạt động sử dụng tài nguyên phần cứng của máy tính hoặc tài nguyên phần cứng bên ngoài máy tính. Theo như hướng dẫn trên thì có thể cấp được bằng sáng chế cho các phương thức kinh doanh được thực hiện bởi máy tính. Công ước sáng chế Châu Âu tại Điều 52 khoản 1 điểm d phương pháp kinh doanh cũng bị loại trừ bảo hộ sáng chế. Tại Anh CTMT thực hiện quy trình kinh doanh không được coi là một giải pháp kỹ thuật, nên không đủ điều kiện cấp sáng chế.Việt Nam cũng đã loại trừ bảo hộ phương pháp kinh doanh khỏi sáng chế (Khoản 2 điều 59 Luật SHTT, 2005). Như vậy, nếu các phương thức kinh doanh là thuần túy về kinh doanh hoặc quá trừu tượng thì chúng không được coi là có thể được cấp bằng sáng chế, nhưng nếu phương thức này được thực hiện bằng máy tính, thì nó sẽ có thể được cấp bảo hộ sáng chế. Mặc dù vậy, hiện nay nhiều quốc gia vẫn chưa công nhận sáng chế liên quan CTMT là phương pháp kinh doanh.
3.4. Thẩm định đơn sáng chế liên quan CTMT
(i) Về thời gian thẩm định sáng chế liên quan CTMT chưa phù hợp: CTMT có chu kỳ đổi mới tương đối ngắn, thông thường một CTMT cần được cập nhật các tính năng mới phù hợp với nhu cầu thị trường và sự tương tác với các CTMT khác sau 1 năm. Sau thời gian đó, các phát triển phần mềm mới, nhanh chóng khiến các sáng tạo trước đó trở nên lỗi thời. Do vậy, nhiều trường hợp vòng đời của các CTMT sẽ kết thúc trước khi cấp bằng sáng chế. Trong khi đó thời gian cấp bằng sáng chế hiện nay là một quá trình dài, ở Mỹ và Canada từ 3 năm, còn ở Việt Nam thời gian nhanh nhất có thể cấp một văn bằng sáng chế dành cho các đối tượng khác cũng là 31 tháng (Điều 110, 112, 119 Luật SHTT, 2005, 2009, 2019). Vì vậy, giải pháp kỹ thuật có khả năng sẽ bị lỗi thời vào thời điểm Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế. Nên bản thân nhà phát triển phần mềm phải cân nhắc về chu kỳ cần cập nhật của phần mềm.
(i) Về tính đa dạng trong ngôn ngữ mô tả đối tượng được bảo hộ trong đơn: Về lý thuyết, các nhà phát triển sản phẩm có thể kiểm tra cơ sở dữ liệu bằng sáng chế để xem liệu họ có vi phạm bằng sáng chế của người khác hay không. Trong thực tế, điều này không hiệu quả trong ngành công nghiệp phần mềm vì: Thứ nhất, đó là sự thiếu chính xác trong thể hiện từ ngữ trong đơn mô tả của các bằng sáng chế liên quan CTMT khiến các nhà phát triển sau khó nhận ra rằng giải pháp kỹ thuật mà mình muốn được cấp bảo hộ đã nằm trong sáng chế liên quan CTMT của nhà phát triển trước. Nhiều trường hợp không dễ để mô tả chính xác bằng từ ngữ về giải pháp kỹ thuật trong đơn đăng ký vì tính trừu tượng và đa nghĩa thể hiện bằng ngôn ngữ mô tả trong đơn, nên khó để kiểm tra một đơn yêu cầu cấp sáng chế liên quan CTMT có bị trùng với sáng chế đã được cấp ở nước ngoài. Do vậy, các nhà phát triển phần mềm thường không muốn mất thời gian nghiên cứu bằng sáng chế đã được cấp của các nhà phát triển khác. Thứ hai, các CTMT lớn có thể có hàng triệu dòng mã, nhưng có nhiều trường hợp bằng sáng chế liên quan CTMT chỉ thể hiện chức năng trong một vài dòng mã. Kết quả là một CTMT duy nhất có khả năng bao hàm hàng trăm bằng sáng chế. Chi phí để tìm ra các bằng sáng chế này, nghiên cứu khả năng ứng dụng của chúng và sau đó thương lượng giấy phép cho các bằng sáng chế sẽ có thể vượt xa lợi nhuận kinh tế của các CTMT. Do đó, các doanh nghiệp có kinh phí thấp thường chọn không nghiên cứu cơ sở dữ liệu bằng sáng chế và thay vào đó là cứ nộp đơn và bỏ qua bước tự kiểm tra tại các bằng sáng chế đã cấp. Còn đối với các chuyên gia thẩm định đơn cũng gặp phải khó khăn khi xét tính mới dựa trên những sự đa dạng của ngôn ngữ diễn đạt, sự phong phú của các nguồn cơ sở dữ liệu sáng chế. Đó là lý do tại sao số lượng đơn được cấp bảo hộ sáng chế liên quan CTMT tại Việt Nam chưa nhiều.
4. Một số khuyến nghị cho pháp luật Việt Nam
Bằng sáng chế liên quan CTMT là một tài sản quan trọng đối với các nhà phát triển thị trường phần mềm. Nếu không chuyển dịch cơ cấu từ gia công thị trường phần mềm sang phát triển sản phẩm phần mềm thì Việt Nam khó có sự đột phá trong nền kinh tế số. Do vậy, chúng ta cần giải quyết những vấn đề sau:
Thứ nhất, theo hai nhà kinh tế học R.Bukht và R. Heeks, kinh tế số được chia ra ba phạm vi là kinh tế số lõi, kinh tế số phạm vi hẹp và kinh tế số phạm vi rộng (Rumana Bukht và Richard Heeks, 2017). Trong kinh tế số lõi, bao gồm chế tạo phần cứng, dịch vụ thông tin, phần mềm và tư vấn công nghệ thông tin. Do vậy, việc phát triển các sản phẩm phẩm phần mềm chất lượng, mang thương hiệu Việt cũng là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế số. Pháp luật Việt Nam nên mạnh dạng lựa chọn cách tiếp cận xu hướng mới như các quốc gia Mỹ và Nhật Bản vào sáng chế liên quan CTMT để khuyến khích các nhà phát triển phần mềm với cơ chế độc quyền sáng chế cho những giải pháp kỹ thuật liên quan CTMT, thúc đẩy sự phát triển thị trường sản phẩm phần mềm. Mục đích cuối cùng không phải để chúng ta có nhiều sáng chế liên quan CTMT, mà là sự phát triển nền kinh tế số thông qua bảo đảm của Nhà nước cho các đối tượng quyền sỡ hữu trí tuệ. CTMT hiện nay được khẳng định bảo hộ dưới cơ chế QTG và cụ thể là chỉ bảo hộ các đoạn mã của CTMT. Ngoài ra, CTMT hiện nay đã bị phủ định bảo hộ sáng chế tại điều 59 Luật SHTT, tuy nhiên tại Quy chế TĐĐĐKSC lại thừa nhận bảo hộ những giải pháp kỹ thuật do CTMT tạo ra, nên điều này gây ra sự khó hiểu cho người áp dụng luật, đồng thời cũng thể hiện chưa được ghi nhận xứng đáng vị trí và tầm quan trọng của sáng chế đối với CTMT. Và vì bản chất sáng chế là bảo hộ các giải pháp kỹ thuật nên nếu không bị phủ định tại điều 59 Luật SHTT thì sẽ tạo ra sự thống nhất cách hiểu khi áp dụng Quy chế TĐĐĐKSC. Do vậy, tác giả kiến nghị bỏ quy định loại trừ CTMT ra khỏi các đối tượng được bảo hộ như khoản 2 điều 59 Luật SHTT, chỉ cần CTMT là một giải pháp kỹ thuật, thỏa mãn các điều kiện của sáng chế là có tính mới, có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp là đủ điều kiện cấp sáng chế và được coi là một sáng chế liên quan CTMT.
Thứ hai, rút ngắn thời gian thẩm định cấp bảo hộ: Thời hạn thẩm định đơn kéo dài là một nhược điểm của quyền sở hữu công nghiệp so với cơ chế bảo hộ QTG được xác lập tự động. Đặc biệt là với vòng đời ngắn, cần nâng cấp thường xuyên của CTMT đặt ra vấn đề cần rút ngắn thời gian thẩm định đơn sáng chế liên quan CTMT. Thời hạn cấp bằng sáng chế kéo dài tại nước ta do chưa đủ nhân lực, thiếu cơ sở dữ liệu để tra cứu dữ liệu SHTT trên thế giới (Lê Ngọc Lâm, 2018). Do vậy, để rút ngắn thời hạn thẩm định đơn, chúng ta cần chú trọng đến đào tạo đội ngũ chuyên gia thẩm định có chất lượng cao, không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có khả năng ngoại ngữ tốt cũng là một thách thức hiện nay tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần mở rộng hợp tác với các cơ quan sáng chế của các nước có nguồn dữ liệu phong phú. Đối với các chủ sở hữu CTMT nỗi lực hơn tra cứu cơ sở dữ liệu sáng chế liên quan CTMT cũng như tránh nghiên cứu những công nghệ đã có người thực hiện, không còn tính mới và tiên liệu khả năng được cấp bảo hộ sáng chế. Ngoài ra, pháp luật cũng cần có những quy định riêng về việc cho phép rút gọn lại quy trình thẩm định đơn đăng ký sáng chế, rút ngắn thời gian cấp sáng chế liên quan CTMT cho phù hợp với đặc trưng riêng của đối tượng này.
Thứ ba, cho phép sáng chế liên quan CTMT là một giải pháp kinh doanh: Với sự phát triển về thị trường số hiện nay, hầu như CTMT xâm nhập vào tất cả các hoạt động đời sống xã hội, kinh doanh sản xuất dưới hình thái kinh doanh trực tuyến. Do vậy, pháp luật Việt Nam nên bảo hộ sáng chế liên quan đến CTMT là giải pháp kinh doanh vì việc phát triển thị trường trực tuyến sẽ là tất yếu, sử dụng công nghệ thông tin làm công cụ xử lý các thao tác nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm chi phí hơn. Pháp luật Việt Nam cần hướng tới việc ghi nhận và điều chỉnh quan hệ tài sản quan trọng này theo hướng xác định các điều kiện bảo hộ: Về tính mới, sự kết hợp giữa giải pháp kinh doanh hoặc CTMT phải tạo ra một giải pháp có tính mới chứ không thể chỉ xem xét tính mới độc lập riêng giải pháp kinh doanh hoặc chỉ xét riêng tính mới của CTMT. Điều kiện này có nghĩa là sự kết hợp này phải tạo một khía cạnh nào đó khác với tất cả những giải pháp kinh doanh đã tồn tại trước đây; Về tính sáng tạo, sự kết hợp giữa giải pháp kinh doanh và phần mềm phải không dễ dàng tạo ra, nghĩa là một người có kỹ năng bình thường trong lập trình hoặc trong kinh doanh không thể dễ dàng tạo ra giải pháp đó; Về khả năng áp dụng công nghiệp, sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định (Điều 62, Luật SHTT) nên một giải pháp kinh doanh thuần túy thì khó để đáp ứng được yêu cầu khả năng áp dụng công nghiệp vì có thể cho ra những kết quả khác nhau. Nhưng nếu giải pháp kinh doanh kết hợp với CTMT lại có khả năng áp dụng công nghiệp, người xin cấp bảo hộ chỉ cần chứng minh rằng sự kết hợp giữa giải pháp kinh doanh và CTMT cung cấp một số kết quả cụ thể, như bằng sáng chế Amazon 1-Click cung cấp một kết quả là một giao dịch mua nhanh được xác lập cho mỗi cú click vào biểu tượng mua hàng trên màn hình.
5. Kết luận
Đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn thế giới đặt ra những thách thức vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp phần mềm để phát triển kinh tế số. Các sản phẩm công nghệ số phục vụ phòng chống Covid-19 hiệu quả, các nền tảng số hỗ trợ học tập, làm việc, sinh hoạt trên môi trường số sẽ được quan tâm, xem xét (Nguyễn Mạnh Hùng, 2020). CTMT mặc dù hiện nay đã được công nhận bảo hộ dưới cơ chế QTG nhưng thực tế vẫn không bị loại trừ bảo hộ bằng sáng chế, vấn đề là Nhà nước cần điều chỉnh pháp luật theo định hướng công nhận sáng chế liên quan CTMT rõ ràng hơn tại Luật SHTT, rút ngắn thời gian thẩm định đơn bảo hộ, công nhận sáng chế liên quan CTMT là một giải pháp kinh doanh sẽ hứa hẹn tạo sự thay đổi lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Aurelien Bamde (2017), De la protection juridique des logiciels: brevet ou droit d’auteur?, https://aurelienbamde.com/2017/08/31/de-la-protection-juridique-des-logiciels-brevet-ou-droit-dauteur/ (07/07/2020).
2. Bản án giữa công ty Infomil và công ty Atos Origin (2007), https://www. legifrance.gouv.fr/affichJuriJudi.do?idTexte=JURITEXT000018950874 (07/07/2020).
3. Bản án giữa Diamond v và Diehr 1981, Justia US Supreme Court, https://supreme.justia.com/cases/federal/us/450/175/ (14/5/2020).
4. Bản án giữa Mayo Collaborative Services và Prometheus Labs, Inc (2011), Justia US Supreme Court, https://www.supremecourt.gov/ opinions/11pdf/ 10-1150.pdf (07/07/2020).
5. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Nếu không Make in Vietnam thì nước ta khó có thể trở thành nước phát triển". (2020), https://cafef.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-neu-khong-make-in-vietnam-thi-nuoc-ta-kho-co-the-tro-thanh-nuoc-phat-trien-20200819144115731.chn (20/8/2020).
6. Gia công phần mềm của Việt Nam – "Nhỏ mà có võ" (2018), https://vtv.vn/ kinh-te/gia-cong-phan-mem-cua-viet-nam-nho-ma-co-vo-20180601110140737.htm (20/8/2020).
7. Is Softwarepatentable in the United States?,https://www.shahiplaw.com/ software-patents/ (14/6/2020).
8. Hà Linh (2018), Khó khăn trong đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ (2018), https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/kho-khan-trong-dang-ky-xac-lap-quyen-so-huu-tri-tue-322056/ (20/8/2020).
9. Lịch sử về máy tính, https://homepage.cs.uri.edu/faculty/wolfe/book/ Readings/Reading03.htm.
10. Quyết định ngày 24/02/2006, Số: T 0469/03–3.5.01 (PDF), European Patent Office, Boards of Appeal, 24 February 2006, Trang kết luận mục 5.1 đến 5.3.
11. Rumana Bukht and Richard Heeks 2017, Defining, Conceptualising and Measuring the Digital Economy. Tr.68, Centre for Development Informatics, Global Development Institute, SEED.
12. Trần Kiên (2020), Tìm kiếm giải pháp bảo hộ độc quyền sáng chế đối với giải pháp kinh doanh mới, https://vi.sblaw.vn/tim-kiem-giai-phap-bao-ho-doc-quyen-sang-che-doi-voi-giai-phap-kinh-doanh-moi/.(20/8/2020).
Văn bản pháp luật
1. Công Ước Sáng chế Châu Âu 1973, 2000.
2. Đạo luật Bằng sáng chế Ấn Độ năm 1970, sửa đổi 2005.
3. Đạo luật Sáng chế Anh 1977.
4. Đạo luật Sáng chế Australia 1986,1990.
5. Đạo Luật Sáng chế Canada 1985.
6. Luật Sáng chế Mỹ .
7. Luật sáng chế Trung Quốc 1984; sửa đổi 1992, 2000, 2008.
8. Luật Sở hữu trí tuệ Nhật bản sửa đổi 2019.
9. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005,2009,2019.
10. Quy chế thẩm định đơn sáng chế của Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam 2010.
11. Hướng dẫn sửa đổi về Kiểm tra bằng sáng chế của Trung Quốc năm 2017.
12. Chỉ thị hướng dẫn cấp sáng chế liên quan đến CTMT của Liên minh châu Âu 2002, 2005.
13. Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 01/08/2013 hướng dẫn thi hành Điều lệ Sáng kiến kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
SOURCE: Tạp chí "Pháp luật và phát triển", số tháng 11 và tháng 12 năm 2020. Tr.74-81.
Bài viết trên trang: thongtinphapluatdansu.edu.vn
Các bài viết khác
- Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Lập luận pháp lý (Legal Reasoning)
- Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: Đổi mới, nâng cao chất lượng các Tạp chí Luật học
- GIÁO TRÌNH LUẬT QUỐC TẾ VỀ DOANH NGHIỆP
- GIÁO TRÌNH LUẬT DOANH NGHIỆP (Tình huống - Phân tích - Bình luận)
- SÁCH CHUYÊN KHẢO LUẬT KINH TẾ
- LUẬN ÁN TIẾN SĨ: ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TRONG ĐIỀU TRA TỘI PHẠM SỬ DỤNG KHÔNG GIAN MẠNG XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA CỦA CƠ QUAN AN NINH ĐIỀU TRA, BỘ CÔNG AN VIỆT NAM
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP QUỐC GIA: HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
- GIÁO TRÌNH LUẬT CẠNH TRANH NĂM 2010
- Giáo trình: Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới
- Giáo trình: Kỹ thuật soạn thảo văn bản
- SÁCH CHUYÊN KHẢO: HỆ THỐNG TƯ PHÁP HÌNH SỰ TRONG GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN
- LUẬN ÁN TIẾN SĨ: PHÁP LUẬT VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM
- LUẬN ÁN TIẾN SĨ: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP NỘI BỘ TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN TẠI TÒA ÁN Ở VIỆT NAM
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC: HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ BẢO VỆ QUYỀN CỦA NGƯỜI MUA BẤT ĐỘNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- TỔNG HỢP 20 BÀI BÁO PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG VÀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM
- Tổng hợp 12 bài báo pháp lý bảo vệ quyền trẻ em trong vụ án bạo lực, bạo hành trẻ em