(BĐT) - Để tổ chức thành công 1 phiên đấu giá tài sản (ĐGTS) thông thường tổ chức ĐGTS sẽ phải trả rất nhiều các khoản chi phí. Tuy nhiên, thời gian qua, một số tổ chức ĐGTS đang chào mức phí thù lao rất thấp, không tương xứng với các chi phí đã bỏ ra. Điều này đặt ra nhiều nghi ngại về tính minh bạch của hoạt động ĐGTS cũng như việc cần thiết phải sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến chi phí đấu giá cho phù hợp thực tiễn.
1 triệu đồng cho cuộc đấu giá tài sản 26 tỷ đồng
Ngày 19/3/2020, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng lựa chọn Công ty Đấu giá hợp danh Nam Bình Dương thực hiện bán ĐGTS là 325,86 ha cao su (gồm 157,980 cây cao su thanh lý). Với mức giá khởi điểm là 26,878 tỷ đồng, mức thù lao được tính theo quy định tại Thông tư 45/2017/TT-BTC (Thông tư 45) là 40,91 triệu đồng + 1,2% phần bán vượt giá khởi điểm. Tuy nhiên, mức thù lao mà Công ty Đấu giá Hợp danh Nam Bình Dương đề xuất nếu thực hiện bán đấu giá thành công chỉ là 1 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với giá chủ tài sản đưa ra.
Việc nhận mức thù lao thấp, không đủ bù đắp chi phí của cuộc đấu giá sẽ dẫn tới nguy cơ nảy sinh hiện tượng không lành mạnh trong quá trình đấu giá. Ảnh: St
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, để thực hiện bán ĐGTS là 325,86 ha cao su, ngày 20/3/2020, Công ty Đấu giá hợp danh Nam Bình Dương phải chi trả phí đăng tải 1 kỳ trên số báo địa phương (nơi có tài sản) là 800.000 đồng/kỳ. Dự kiến ngày 25/3/2020, thông tin bán ĐGTS này sẽ được đăng tải trên một ấn phẩm báo giấy khác. Ngoài ra, còn nhiều khoản chi phí khác mà với mức thù lao là 1 triệu đồng thì Công ty sẽ phải bù lỗ để thực hiện ĐGTS này.
Ông Phạm Đức Khải, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Nam Bình Dương cho biết, mức thù lao 1 triệu đồng được nhận từ phiên đấu giá là không đủ bù đắp cho các khoản chi phí. Tuy nhiên, do mới thành lập (từ tháng 5/2019) nên Công ty muốn có thêm kinh nghiệm thực hiện hợp đồng ĐGTS. Theo ông Khải, Công ty phải chào giá thấp để tăng khả năng cạnh tranh và mức thù lao dịch vụ 1 triệu đồng/1 hợp đồng mà Công ty đưa ra là hoàn toàn tuân thủ quy định.
Theo một cán bộ Phòng Kế hoạch Vật tư thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Công ty lựa chọn tổ chức ĐGTS dựa trên các quy định tại Luật ĐGTS và Thông tư 45. Theo đó, trong trường hợp các tổ chức ĐGTS nộp hồ sơ tham dự đều đáp ứng yêu cầu của chủ tài sản về uy tín, năng lực, kinh nghiệm, cơ sở vật chất cho phiên đấu giá; phương án đấu giá khả thi, hiệu quả…, tổ chức ĐGTS chào mức phí thấp nhất và tuân thủ đúng quy định tại Thông tư 45 sẽ được lựa chọn.
Phí thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, đã có không ít các cuộc đấu giá tài sản mà tổ chức đấu giá đã chào phí thù lao rất thấp, thậm chí chỉ mang tính “tượng trưng”. Đơn cử, ngày 7/11/2018, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh Bình Dương được Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng lựa chọn thực hiện bán đấu giá lô tài sản là cây cao su thanh lý đợt 1 để tái canh năm 2019. Khi đó, mức thù lao dịch vụ ĐGTS được Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh Bình Dương đưa ra là 0 đồng + 0,7% phần bán vượt giá khởi điểm.
Tháng 7/2019, Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Lam Sơn được Công ty Điện lực Bạc Liêu lựa chọn là đơn vị tổ chức ĐGTS lô vật tư thiết bị thanh lý năm 2019 với mức thù lao là 1 triệu đồng và không lấy phần bán vượt giá khởi điểm.
Theo chuyên gia đấu giá, việc nhận mức thù lao thấp, không đủ bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ của cuộc đấu giá sẽ gây ra nhiều rủi ro trước mắt và trong dài hạn cho tổ chức ĐGTS. Ngoài ra, sẽ có nguy cơ phát sinh nhiều hiện tượng không lành mạnh, thiếu minh bạch trong quá trình đấu giá. Chẳng hạn, việc tổ chức đấu giá thông đồng, móc ngoặc với người tham gia đấu giá để bán được tài sản nhằm bù đắp chi phí đã bỏ ra.
Sau gần 3 năm thực thi Thông tư 45, thực tiễn đã ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất từ tổ chức ĐGTS đã phản ánh về việc mức thù lao dịch vụ ĐGTS được quy định không tương xứng với các chi phí hợp lý, hợp lệ khi tổ chức ĐGTS, không phù hợp với thực tiễn hoạt động ĐGTS, dễ làm nảy sinh tiêu cực, thiếu minh bạch.
Thu Giang
Nguồn Báo Đấu Thầu
Các bài viết khác
- Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Lập luận pháp lý (Legal Reasoning)
- Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: Đổi mới, nâng cao chất lượng các Tạp chí Luật học
- GIÁO TRÌNH LUẬT QUỐC TẾ VỀ DOANH NGHIỆP
- GIÁO TRÌNH LUẬT DOANH NGHIỆP (Tình huống - Phân tích - Bình luận)
- SÁCH CHUYÊN KHẢO LUẬT KINH TẾ
- LUẬN ÁN TIẾN SĨ: ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TRONG ĐIỀU TRA TỘI PHẠM SỬ DỤNG KHÔNG GIAN MẠNG XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA CỦA CƠ QUAN AN NINH ĐIỀU TRA, BỘ CÔNG AN VIỆT NAM
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP QUỐC GIA: HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
- GIÁO TRÌNH LUẬT CẠNH TRANH NĂM 2010
- Giáo trình: Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới
- Giáo trình: Kỹ thuật soạn thảo văn bản
- SÁCH CHUYÊN KHẢO: HỆ THỐNG TƯ PHÁP HÌNH SỰ TRONG GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN
- LUẬN ÁN TIẾN SĨ: PHÁP LUẬT VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM
- LUẬN ÁN TIẾN SĨ: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP NỘI BỘ TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN TẠI TÒA ÁN Ở VIỆT NAM
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC: HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ BẢO VỆ QUYỀN CỦA NGƯỜI MUA BẤT ĐỘNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- TỔNG HỢP 20 BÀI BÁO PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG VÀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM
- Tổng hợp 12 bài báo pháp lý bảo vệ quyền trẻ em trong vụ án bạo lực, bạo hành trẻ em